Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Cuộc sống thực của người Việt ở Hoa Kỳ!

 

 


Tôi chỉ là một người đàn bà nội trợ, tuy nhiên với tuổi đời khá cao, chứng kiến đủ mọi cuộc bể dâu của một dân tộc, cũng như với thời gian hơn 30 năm trải dài ở xứ người, tôi tin cái nhìn của tôi về cuộc sống cũng có chút thú vị riêng của nó! 
 Tôi không dám tản mạn xa gần, và khuôn khổ một đoản văn như bài viết này cũng không thể nói lên được đầy đủ tất cả, cho nên tôi chỉ "khái lược" một vài khía cạnh mắt thấy tai nghe về cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Houston, Mỹ, để xin chút thì giờ của quý vị.

Houston là một vùng đất tập trung người Việt Nam nhiều thứ hai ở Mỹ sau California. Nhờ địa hình, đất đai rộng lớn chưa khai phá hết, nên so với California thì đất đai ở đây phải nói là rẻ mạt, do đó vấn đề nhà cửa, nơi ăn chốn ở, không phải là mối lo của mọi người. Vì đất rẻ, nên nhà cửa ở đây vừa túi tiền cho bất cứ ai, từ giàu tới nghèo. Bạn là dân HO mới qua ư? Lớn tuổi thu nhập ít? Bạn vẫn có thể mua một căn chung cư khiêm tốn vài ba phòng ngủ che nắng che mưa, với giá chỉ hai - ba chục ngàn đô la, hoặc ít hơn. 

Nếu bạn khá giả, có tiền thì càng dễ, những căn hộ sang trọng hơn, từ vài ba trăm ngàn tới vài triệu đô la cũng không thiếu, từ thấp lên cao, đều có đủ để phục vụ nhu cầu của bạn (không đẹp không ăn tiền).

Ở đây người Việt đùm bọc nhau, có những khu chung cư chỉ toàn người Việt sinh sống, như làng Thái Xuân, làng Tre... Ở đó mỗi căn hộ giá chỉ có vài ngàn tới không quá 20 ngàn, như những xóm nhỏ ở Việt Nam, có dịch vụ cơm tháng, cắt tóc, thợ may, đau yếu có nhân viên tiệm thuốc đem tới tận nhà. 

Có nhiều hội bô lão có trụ sở, giúp người già họp mặt giải trí, hoặc tổ chức đi tham quan du ngoạn, cung cấp những bữa ăn miễn phí, cố vấn về y tế, sức khoẻ... Có nhiều chương trình, công ty phục vụ y tế tại gia do người Việt làm chủ, tới tận nhà để chăm sóc giúp đỡ các cụ già neo đơn... Tất bật làm ăn, buôn bán xa gần, nhưng cuối tuần ai cũng tụ về trung tâm người Việt để đi chợ mua sắm, ăn uống, gặp gỡ. 

Nếu cuối tuần rảnh không làm gì, thì bạn hãy ghé vào Lee's sandwiches làm một ly cafe, ngồi nhâm nhi một lát, bảo đảm, bạn sẽ gặp không ít những bạn bè quen, vẫy tay chào hỏi thân tình, hoặc xà lại ngồi chung, tám chuyện cho vui. 

Các cụ ông thì tụ lại đánh cờ, có ông nhíu mày, nhăn mặt, trông suy tư, động não ra phết. Còn các cụ bà thì cùng con cái đi chợ, đi ăn, hoặc muốn thì đi chùa, làm công quả. Vui với bạn già, thanh thản trong sự thanh tịnh của nhà chùa. Tới chiều hoặc theo giờ hẹn, con cái sẽ tới đón các cụ ông, cụ bà, cùng về.

Ở chùa, hoặc nhà thờ cũng có mở nhiều lớp dạy tiếng Việt, nên vào cuối tuần trẻ em cũng hay được cha mẹ gởi tới chùa và nhà thờ để sinh hoạt tôn giáo và học tiếng Việt.
Còn người chết thì cũng ấm cúng lắm, có nhà quàng Vĩnh Phước, nhà quàng Thiện Tâm lo lắng chu đáo theo phong tục người Việt, hoa được đem đến tặng đầy phòng. Tùy theo tín ngưỡng, bạn sẽ được Cha, hoặc sư thầy ở chùa và hộ niệm tới đưa bạn ra đi ấm áp với câu kinh, tiếng kệ.

Nếu người chết không có thân nhân, tiền bạc? Không sao, nhà quàng vẫn chu đáo, sau đó kêu gọi đồng hương đóng góp giúp đỡ, nghĩa tử là nghĩa tận. Bằng cách nào thì người chết vẫn rất được tôn trọng và ấm áp ra đi. 

Trên đường ra nghĩa trang, đoàn xe tang sẽ được 4-5 cảnh sát cưỡi môtô hộ tống, thay phiên nhau cản xe, và chặn các ngã tư đường, để giữ đoàn xe tang được đi liên tục, không đứt quãng.

Ở Mỹ, mọi người có thói quen ra đường gặp đám tang, không cần biết người chết là ai, những xe chạy trên đường thường tự động ngừng lại, tránh vào lề, nhường đường để tỏ lòng tôn trọng người chết. 

Không phải nói quá, đóng cửa trong nhà thì không biết ra sao, chứ nơi công cộng, văn hóa ứng xử của người Mỹ thật đáng cho ta học hỏi.

Houston:
- Có nhiều khu phố tập trung làm nơi sinh hoạt của người Việt Nam, nhưng đông đúc nhất là những dãy phố trải dài trên đường Bellaire phồn thịnh, mà những căn phố, hay những tòa nhà đồ sộ ở nơi này đều do người Việt mua đứt, làm chủ.
- Có hệ thống nhà hàng Kim Sơn danh tiếng, có nhiều hệ thống siêu thị bán thực phẩm vĩ đại (như Hồng Kông), rất nhiều văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư Việt Nam nổi tiếng, mà thân chủ không ít là người ngoại quốc xếp hàng chờ trực.
- Có vài đài truyền hình, có dăm ba đài radio lớn phát sóng thường xuyên phục vụ cộng đồng, có nhiều hội ái hữu đồng hương để gặp gỡ sinh hoạt.
- Có nhiều báo ngày, báo tuần, báo tháng... phục vụ đồng hương miễn phí.
- Có hội văn hóa khoa học, hàng năm tổ chức vinh quy bái tổ, khuyến khích, vinh danh cho những con em đạt được thành tích xuất sắc.
Có nhiều nữa, không thể kể hết.

Đấy, nhiều sinh hoạt hữu ích, nhiều sắc màu của cuộc sống lắm, không lẻ loi, cô đơn đâu bạn ơi...
Người Việt mình ở đây, đa số làm ăn hoà nhập với người bản xứ, nghĩa là sống trải rộng, buôn bán làm ăn trực tiếp đủ mọi ngành nghề, chủ yếu phục vụ người ngoại quốc, từ tiệm tạp hoá, tiệm móng tay, sửa xe, tiệm giặt ủi, nhà hàng, cây xăng... trải rộng từ hang cùng ngỏ hẽm, tới những khu sang trọng. Người Việt có mặt trên từng cây số, và không thể phủ nhận sự thành công vẻ vang của họ.

Cũng như tiểu bang Cali nổi tiếng về điện tử, thì Houston nổi tiếng với kỹ nghệ dầu hỏa, với nhiều hãng dầu vĩ đại. Bên cạnh cũng có nhiều hãng về kỹ nghệ tin học, như hãng HP chuyên sản xuất máy tính danh tiếng, mà nếu có dịp bước chân vào, bạn sẽ thấy nhân viên người Việt từ sếp lớn, sếp nhỏ chiếm đa số. Những ngành này cung cấp được nhiều công ăn việc làm cho người bản xứ và người Việt ta đã thừa cơ hội chen chân vào hưởng phước cũng khá nhiều. 

Tính sơ về hãng tiện (phục vụ cho kỹ nghệ dầu hoả), có khoảng 2.000 hãng lớn nhỏ do người Việt làm chủ. Mấy năm nay xăng dầu trên thế giới khủng hoảng lên giá, nên sản xuất tăng vọt, công nhân tha hồ làm thêm giờ, và các ông chủ thì trúng lớn, góp thêm nhiều tên Việt Nam trong danh sách những triệu phú ở Mỹ. 

Nói chung, vật giá ở Houston rẻ hơn những nơi khác, công ăn việc làm nhiều, rất dễ sống. Những năm trước, khi kinh tế còn phồn thịnh, phải nói thu nhập mọi người rất dồi dào, bên cạnh làm ăn nuôi dạy con cái, họ còn đầu tư chỗ này, chỗ kia, nên sau vài chục năm, đa số dân Việt Nam ở đây ai cũng có của ăn của để. 

Khác với dân bản xứ không có thói quen dành dụm, do cả đời được sống trong nhung lụa, được chính phủ bao bọc triệt để, nên họ rất vô tư, ăn xài thoả thích, không cần biết ngày mai. Người Việt mình tuy giàu có, nhưng vốn trải qua nhiều biến động, từng đói khổ, phải ra đi, nên đại đa số có thói quen "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn". Làm 10 đồng, xài nhiều lắm là 5-6 đồng, còn thì tích lũy dành dụm, đầu tư, hay để vào tiết kiệm kiếm lời.
Bây giờ kinh tế eo xèo, công tâm mà nói, họ cũng giảm bớt những chi tiêu xa xỉ, dù làm còn 6 đồng thì cũng vẫn kế hoạch để dư ra 1-2 đồng. Tóm lại, ít ai ăn xài hết số tiền kiếm được hiện tại, đừng nói chi đụng đến vốn để dành.

Trong khi dân bản xứ la lối om xòm than thở, đòi chết, đòi sống, để làm áp lực với chính phủ hầu hưởng thêm những khoản trợ cấp phụ trội, vì gặp khó khăn với thói quen ăn xài quá lố của mình, thì người Việt ta vẫn bình thân như vại. Tôi nghĩ cho dù kinh tế suy thoái kéo dài thêm 5 năm nữa, người Việt ta cũng không hề hấn gì. Ngay Houston này, tôi thấy mọi người vẫn ung dung. Chợ, nhà hàng, tiệm tóc... đầy người đang đi mua sắm, đi ăn, làm đẹp... Tôi thật tình nể họ quá!

Còn dân bản xứ, la lối để yêu sách này nọ thế thôi, chứ 10 người mới có một người thất nghiệp (10%). Thì đã sao? Có biết bao nước, con số thất nghiệp còn cao hơn nhiều, mà có được chính phủ giúp đỡ tẹo nào đâu? Ở Mỹ này, trợ cấp thất nghiệp cứ được gia hạn dài dài, dân chúng miệng thì la, nhưng ăn xài vẫn không giảm. Nghĩ cho cùng, làm dân xứ giàu cũng sướng thật!

Thế hệ người Việt ra đi bằng đường biển năm xưa, giờ thì không ít người tuổi đã cao, đa số đã về hưu (dù chưa tới tuổi hưu). Sau nhiều năm cực nhọc, họ cũng muốn hưởng phước, công việc làm ăn đa phần đã chuyển nhượng lại cho những người qua sau, cứ thế dòng đời tiếp tục vận chuyển.

Còn thế hệ thứ hai, đám con cái họ, đa số đã thành danh, thành nhân, có thể tiến thân vững vàng, có mặt rạng rỡ trong những ngành nghề đòi hỏi trình độ học vấn hiểu biết cao, và thu nhập cũng ngất ngưởng. Nên những công việc dài giờ, lao động vất vả một thời cha mẹ họ trước kia, ở hoàn cảnh lỡ thợ, lỡ thầy, chấp nhận như cây tràm cây mắm, hy sinh làm bệ phóng cho bầy con vươn lên, giờ đã không còn người tiếp quản, sẽ dần mai một trong tương lai gần.

Tôi thật tình thấy vui lẫn hãnh diện nhìn tương lai đám trẻ Việt Nam, thế hệ thứ hai.

Tôi có nghe nhiều người than nhà cửa ở Cali quá mắc, nhân đây tôi cũng muốn đề cập sơ về chuyện này:
 Rất đúng, tôi hoàn toàn công nhận, nhưng tôi là người thích nhìn về mặt tích cực. Này nhé một căn nhà ở Houston có giá 100 ngàn, nếu ở Cali sẽ có giá 500 ngàn, sao thế?

Lý do vì miếng đất đó ở Texas chỉ có giá 15 ngàn, mà ở Cali giá tới 415 ngàn, vật liệu xây dựng đâu cũng thế, chỉ 85 ngàn thôi, nhưng khác biệt là giá đất, nên căn nhà có cũ, sập, cháy... thì miếng đất vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt chẳng mất đi đâu, là món tài sản theo thời gian thành vô giá, giống như đất ở Sài Gòn so với đất Long Khánh, thế thôi.

Vì quá mắc, nên bạn vất vả để có nó, nhưng bạn thử nghĩ, nó là món tài sản lớn, nếu bạn muốn nghỉ hưu, chỉ cần bán nó là bạn có một số tiền lớn trong tay, không cần phải đem nửa triệu bạc về Việt Nam để sống như vua. Chỉ cần bạn qua Texas này, mua căn nhà rộng rãi chỉ tốn 100 ngàn, còn lại 400 ngàn bỏ ngân hàng lấy lãi, bạn cũng sống ung dung cả đời. Mà xứ này, nơi đâu cũng có đủ tiện nghi tối đa, phục vụ bạn không phân biệt tiểu bang nào.

Cuộc sống ở đâu thì rồi cũng thế, muôn hình, muôn mặt, trăm ngàn góc cạnh khóc cười, biết vẽ sao cho hết. Cách nhìn nhận sự việc do đó đương nhiên cũng không thể giống nhau. Ngay cộng đồng người Việt ở đất Mỹ này cũng nhiều khác biệt, nhóm người đi trước 75, nhóm người ra đi năm 75-85, nhóm đoàn tụ gia đình sau này, nhóm du học sinh "sanh sau, đẻ muộn" , nhóm thương gia, đại gia chuyển tiền qua làm ăn, kinh doanh...

Động lực, hoàn cảnh ra đi khác nhau, thì quan điểm, cách nhìn nhận sự việc cũng sẽ khác, có khi còn đối chọi nhau đến vỡ đầu, sứt trán nữa không chừng. Nên mỗi bài viết, còn tùy thuộc vào cái nhìn riêng của mỗi người, nếu không đúng với cái nhìn của bạn, xin đừng vội lên án là nổ, là sai. Xin bạn hãy kiên nhẫn, theo thời gian rồi bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về sự việc.

Tôi tin rằng chỉ cần tiếp tục đọc VnExpress đi, trong tương lai tôi chắc sẽ có thêm nhiều bài viết, nêu rõ từng góc cạnh của sự việc. Lúc đó được tổng hợp từ nhiều phương hướng khác nhau, tôi tin rằng sự hiểu biết, cũng như tầm nhìn của bạn về nước Mỹ sẽ rộng và chính xác hơn bây giờ nhiều.

Tôi có hân hạnh đọc phản hồi ý kiến của một vài bạn, sau khi đọc cả bài viết của người ta, lại bảo rằng không hiểu người viết muốn chuyển tải điều gì. Trường hợp này tôi rất thông cảm với bạn, vì chính tôi đây đã không ít lần ở vào trường hợp này. Đơn giản và cụ thể nhé: tôi thỉnh thoảng vẫn xem tin tức các phi hành gia đổ bộ mặt trăng. Dù đầy đủ những bài viết tường trình về đất đá, điều kiện sống, có đính kèm hình ảnh, tôi vẫn không thể hình dung được hình dáng mặt trăng như thế nào. Dù thế nào chăng nữa, đầu óc tôi vẫn còn chứa đựng hình ảnh một mặt trăng với gốc cây đa, có chú cuội và chị Hằng Nga xinh đẹp.
Đấy bạn thấy không? Tôi rất giống bạn, ở một nơi cao xa như vậy, lại chưa đặt chân tới, hay sống cùng, thì khó cho trí tưởng tượng, cũng như sự hiểu biết của mình dung nạp được, phải không bạn hiền?

Thôi thì chúng ta cùng kiên nhẫn nhé. Tôi tin có một ngày, bạn và tôi sẽ được hiểu rõ mà thôi. Nước chảy đá mòn mà, muốn gấp cũng không được bạn à .


 ST

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tự!


 



Đêm trở mình
Bất chợt nhận ra dòng đời đang bỡn cợt
Đưa ta vào những ảo mộng đam mê...

Thời gian không cân đo đong đếm
Cõng trên vai những lớp dại khờ
Tiếng bạn bè trong cuộc vui sáo rỗng

Đêm ta về,
Đọng nước mắt giữa đêm khuya...


 hv


Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Xóm Đạo Houston!



 


Căn phố của ông bà Tuyên nằm ngay cuối dãy, nhìn ra con kinh thoát nước.  Xa xa là những căn nhà chọc trời của Houston. Tháng Sáu, Houston mưa nhiều như Sàigòn. Mưa rào, ào xuống rất nhanh và ngưng lại cũng rất nhanh, y hệt mưa Sàigòn. Nước con kinh dâng cao, chảy xiết như một dòng sông nhỏ ngay sát căn chung cư của ông Tuyên.
Năm 1975, dân tị nạn Việt Nam được phân tán trên khắp nước Mỹ, nhưng chỉ vài năm sau đó, nhiều người dần dần rời bỏ các nơi lạnh lẽo, về lập nghiệp tại hai tiểu bang California và Texas.  Có lẽ vì khí hậu ấm áp rất giống Sàigòn, nên Houston trở thành một trong những thành phố có đông người Việt Nam cư ngụ.

Ông Tuyên chế thêm trà vào tách cho bạn, từ từ tiếp câu chuyện:
-  Bác biết không, chúng tôi nhờ ơn trên mới có được căn chung cư này. Đời sống dân tình ở đây thuần hậu lắm, giống như xóm đạo mình ở Biên Hòa ngày xưa đó.
Vừa lúc đó bà Tuyên đi ra, chào:
-  Bác Chương ngồi chơi với Bố cháu, tôi đi ra nhà nguyện.
Ông Chương hơi ngạc nhiên:
- Nhà nguyện?

Hiểu được ý khách, ông Tuyên từ tốn trả lời:
-  Bác ngạc nhiên là phải.  Để tôi kể chuyện cho bác nghe.
Nhấp một ngụm trà, ông Tuyên nói tiếp:
-  Lúc mới vào cổng khu chung cư này, Bác có thấy gì không?
-  Làng Joseph phải không? Tôi cũng hơi thắc mắc mà chưa có dịp hỏi.
-  Đúng đấy bác ạ, khu chung cư này là một làng đạo Việt Nam. Ngay giữa Houston mà có một làng đạo ViệtNam, thế mới đặc biệt chứ.
Ông Tuyên trả lời, rồi tiếp:
-  Chuyện thế này, khoảng năm 1985, 1986 gì đó, tôi cũng không nhớ rõ lắm, lúc đó kinh tế Houston bị khủng hoảng vì giá dầu thô giảm rất thấp. Từ lâu, Houston vẫn có biệt danh là Thủ Đô Dầu Hỏa, vì hầu hết các hãng dầu hỏa lớn trên thế giới đều có trụ sở ở đây. Chính vì vậy mà khi giá dầu xuống quá thấp, thì kinh tế Houston suy sụp nặng nề. Trước đó, nhờ kỹ nghệ dầu hỏa thịnh vượng, bà con mình làm ăn khá, mua nhà, mua cửa đẹp đẽ. Khi dầu hỏa xuống giá thì dân Houston rất khốn đốn, nhiều người bị thất nghiệp nên không đủ tiền trả nhà băng.
-  Tôi nghe nói hồi đó bà con mình bị phá sản, bỏ nhà cho không các hãng nợ?
-  Đúng vậy, Ai may mắn thì có người vào ở nhà mình, tiếp tục trả món nợ cho nhà băng thì khỏi bị phá sản hay bị điểm xấu vì chạy nợ. Không phải chỉ có tư nhân mới bỏ nhà chạy nợ đâu, những chủ của các khu chung cư cũng vậy. Không có người thuê, chủ nhân các khu chung cư cũng bỏ hoang luôn và nhà băng tịch thu mang ra bán đấu giá.

Ông Tuyên chậm rãi, tiếp:
- Trong dịp này, một vị linh mục, cha Chỉnh, đã đứng ra gây quỹ mua luôn một khu chung cư, rồi bán lại cho đồng bào từng đơn vị gia cư. Tôi không biết chi tiết việc này ra sao vì tôi đến sau, nhưng chỉ nghe được là Cha đã mua được với giá rẻ lắm. Lúc đó các căn chung cư dơ bẩn và xập xệ lắm vì đã bỏ trống một thời gian dài không tu bổ. Người mua phải tự sửa chữa lấy, nhưng cũng còn quá rẻ so với giá bình thường.
-  Không biết giá cả như thế nào bác nhỉ?
-  Tôi nhớ lúc đầu, căn một phòng ngủ chỉ chừng năm ngàn đô, căn hai phòng ngủ chừng tám hay chín ngàn gì đó, tùy theo tình trạng, chỉ cần sửa thêm một vài ngàn nữa là mình có một căn chung cư rất khang trang.  Cũng nhờ cơ hội này mà nhiều người ở thuê, ở mướn, được có dịp làm chủ một căn nhà.  Sau đó dưới sự sắp đặt của quí cha, chung cư được tổ chức lại thành Làng Joseph.
Nhắp thêm ngụm trà, ông tiếp:
-  Quí cha giữ lại vài căn, cho người sửa chữa, làm Nhà Nguyện chung cho cả làng, từ đó có Nhà Nguyện. Mỗi ngày cứ khoảng 5 giờ chiều, có tiếng chuông nhắc bà con giờ cầu nguyện, thật là dễ thương và cảm động.  Mỗi lần nghe chuông, tôi lại nhớ những ngày còn ở xóm đạo Biên Hòa. Tôi thích ở đây là vì thế.
-  Ồ, thú vị quá nhỉ ! Thế ở đây có nhà thờ không, Bác?
-  Ngay trong Làng thì không có nhà thờ, chỉ có nhà Nguyện. Nhưng nhà thờ Mỹ thì cũng không xa đây. Hồi nãy mình có đi xe ngang qua đó, cách đây chừng năm phút đi bộ.  Chủ Nhật chúng tôi vẫn thường đi bộ ra nhà thờ Mỹ. Nói là nhà thờ Mỹ nhưng các cha người Việt mình có giờ thánh lễ cho giáo dân Việt Nam.  Mai tôi mời bác cùng đi lễ với chúng tôi. Nhà Nguyện là nơi chúng tôi tĩnh tâm hằng ngày, lúc nào cửa cũng mở cho bà con trong làng. Các cụ lớn tuổi hay ra đây cầu nguyện lắm, vì gần, không cần phải nhờ con cháu đưa đón.
-  Đời sống như vậy thật là an bình bác nhỉ?
-  Để tôi kể bác nghe. Tuy là tiện như vậy nhưng nhiều người cũng không thích ở đây lắm vì đời sống ở đây rất bình dân và có lẽ “quá” Việt Nam. Tôi thì quen rồi, đâm ra thích. chắc tại mình già rồi. Chứ ai mà quá quen với đời sống Mỹ có lẽ  thấy khó chịu.  Căn phòng của chúng tôi ở cuối làng nên rất yên tịnh.  Những căn ở giữa thì hay bị ồn ào hơn.
-  Tôi có để ý lúc mới đến. Bà con mình ngồi ca hát trước cửa nhà vui ghê.
-  Đúng rồi bác. Ở đây nhiều lúc giống hệt xóm lao động bên Sài-Gòn mình.  Nhiều khi mình nghe một lúc hai, ba đài radio, cộng thêm TV Mỹ và nhạc CD hay có người còn hát Karaoke nữa. Cũng có lúc, bà con mình mang máy ra ngoài cửa để dễ bắt đài, hoặc là không đóng cửa, thì mình cũng nghe được luôn.

Ông Chương góp ý:
-  Bác làm tôi nhớ hồi ở Sàigòn, các đài phát thanh thường khuyến cáo thính giả “vặn âm thanh vừa đủ nghe, kẻo làm phiền lòng hàng xóm.”
-  Bác nói đúng. Hồi mới đến ở, tôi cũng hơi khó chịu. Sống trong chung cư Mỹ mình quen lề lối của họ, tôn trọng đời sống riêng tư của người khác tối đa. Thú thật với bác, hồi ở chung cư Mỹ, tôi không biết hàng xóm mình là ai, thậm chí chả biết họ là đàn ông hay đàn bà nữa, vì có mấy khi gặp gỡ chào hỏi gì đâu.  Sáng đi làm, tối về đóng cửa, rút vào đời sống gia đình, không ai quan tâm đến ai, không ai làm phiền rộn gì ai.  Sống như vậy buồn lắm. Trong chung cư này thì khác, bác ạ. Hình như ai cũng biết ai, không muốn biết cũng tự nhiên biết. Chào hỏi thân thiết như bà con.
-  Nếu vậy thì thật là tốt cho người lớn tuổi, phải không bác?
Ông Tuyên bùi ngùi:
-  Vâng, đúng vậy.  Tôi nhớ hồi mới qua Mỹ, mẹ tôi đã già, ở trong chung cư Mỹ, bà như một người câm, vì không có ai nói chuyện cho khuây khỏa. Tụi tôi đi làm tối ngày, các cháu thì đi học.  Bà Nội các cháu vì nhớ nhà, nhớ Sàigòn, cứ thui thủi một mình thật tội nghiệp.  Có lẽ vì vậy mà Mẹ tôi mất sớm, chỉ mới ở Mỹ có ba năm thôi bác. Có lẽ Mẹ tôi mất sớm như vậy vì buồn bác ạ. Tôi nghĩ nếu hồi đó, có một nơi như vậy thì có lẽ Mẹ tôi vui lắm và còn sống thêm.
Ông Chương góp chuyện:
-  Có lẽ cộng đồng Việt Nam mình cần có nhiều chung cư như Làng này, bác ạ. Tôi biết có nhiều cụ già sống như câm, như điếc trong các chung cư Mỹ. Con cháu phải lo đi làm, đi học, không có thì giờ săn sóc thường xuyên.  Các cụ cần một môi trường sống tự nhiên như ở Sàigòn, như vậy các cụ sống vui thì sẽ mạnh khỏe, khỏi tâm bịnh.
-  Tôi nghĩ cha Chỉnh đã tạo ra một hình thức làng Việt Nam rất thành công, rất hữu ích. Đồng ý là mình không sống quá xa cách với phong tục Mỹ vì dù sao mình cũng đang sống trên đất Mỹ.  Nhập gia tùy tục, tôn trọng đời sống riêng tư cũng có nhiều cái hay, nhưng người già Việt Nam rất cần một chỗ như Làng này, bác ạ.
Nhắp một ngụm trà, ông Tuyên tiếp:
-  Ở Cali và chắc là ngay ở đây cũng có những hội cao niên để các cụ giải trí, nhưng chưa được thành công và tự nhiên như đời sống ở đây, phải không? Tôi thấy ở Làng này mọi người sống gần gũi dễ thương như bà con họ hàng. Qui luật của Làng cũng khá nghiêm nghặt.  Chúng tôi có thuê người canh gác để đề phòng trộm vặt. 

Tối đến, làng đóng bớt một cổng, mọi người và xe cộ chỉ qua một cổng, có người gác. Kẻ lạ mặt, do đó cũng sẽ e dè, không dám lộng hành.
-  Thế ở đây ai cũng theo đạo Thiên Chúa giáo hết sao?
-  Không phải đâu, chỉ đa số thôi bác ạ. Ai muốn vào mua cũng được, không phân biệt tôn giáo hay mầu da. Tuy nhiên, theo khuynh hướng tự nhiên, các bà con người Việt, Công Giáo chiếm có lẽ hơn 90%, chắc vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” như ông bà ta vẫn nói.
Đưa tay chỉ bên phải của mình, ông Tuyên nói tiếp:
-  Bà Dậu ở căn kế nhà tôi là người đạo Phật đấy bác. Gia đình con cháu của bà ở Tulsa, tiểu bang Oklahoma, nhưng cứ đến mùa Đông thì bà ấy lại về đây tránh lạnh. Bà về đây ở một mình nhưng có nhiều bạn già nên vui lắm.  Các cụ cũng trên dưới bảy mươi, hay tụ tập lại nhà bà Dậu để nói chuyện, đánh tam cúc, hay nấu nướng món này món kia rồi mời các cụ khác đến ăn.
-  Thế bác có được mời qua ăn không?
-  Có chứ bác, bà Dậu cho biết là bà ấy phải tìm việc mà làm cho bận tay bận chân, chứ ở không thì sanh bệnh. Riết rồi có người đặt bà làm bánh trái, chả giò ... khi có tiệc tùng.
-  Vậy thì lại có thêm tiền tiêu, bác nhỉ?
-  Vâng, nhưng bao nhiêu tiền kiếm được, bà ấy cho hết vào chùa hay gởi về tặng người già, túng thiếu tại Việt Nam bác ạ. Chúng tôi cũng hay đặt chả giò của bà ấy vì vừa ngon lại vừa sạch sẽ. Nhờ bận rộn, lại kiếm được tiền giúp người khác, bà Dậu khỏe hẳn ra bác ạ.
-  Thế mùa Hè nhà bỏ trống sao bác?
-  Không đâu bác, mùa Hè, con cháu của bà ấy từ các nơi về đây chơi, rồi đi biển Galveston tắm. Tối tối, các cô cậu ấy lại đưa nhau đi vòng vòng các khu chợ Việt Nam uống Cafe. Các cô cậu ấy cũng hay ghé vào đây chuyện trò với chúng tôi.
-  Mà sao tôi thấy nhà đóng cửa hết vậy, bây giờ không có ai ở sao ?
Thấp giọng, Ông Tuyên buồn buồn đáp:
-  Mới tuần trước, bà Dậu phải mổ tim và mất rồi bác ạ. Cả xóm đều thương tiếc.
Hai ông bạn đang ngậm ngùi thì có tiếng từ dưới sân vọng lên:
-  Bác Tuyên ơi, xin lỗi bác, có bác gái ở nhà không?
-  Bà nhà tôi đi xuống nhà nguyện rồi. Có chuyện gì không cô Ba?
-  Con muốn hỏi bác gái có muốn đi chợ Hồng Kông 4 ngày mai không, con chở đi.
-  Cám ơn cô, tôi sẽ nhắn lại với nhà tôi.
- Dạ, cám ơn bác.

Quay lại nhìn ông Chương, ông Tuyên tiếp:
-  Đời sống như vậy đó bác, y hệt xóm mình ngày xưa ở Biên Hòa. Mấy cô cậu trẻ ở đây lái xe ào ào. Tụi mình già rồi, chừng nào muốn đi đâu mình nhờ họ chở, chỉ cần trả họ chút tiền xăng nhớt cho vui và như vậy mình cũng đỡ ngại khi nhờ họ.
-  Tiện quá hả bác?
-  Vâng, tiện lắm bác, có nhiều cô cậu đi làm ca đêm, nên ban ngày họ rảnh, nhất là cuối tuần. Thay vì đi xe Bus, phải đổi hai, ba lần, hoặc thuê Taxi thì ngôn ngữ bất đồng, lại rất đắt, các người già trong này nhờ họ. Cô Ba này có chiếc xe Lexus mới toanh đó bác. Chừng nào cần đi bác sĩ, nha sĩ, chúng tôi cũng nhờ cô ấy chở đi giúp. Này nhé, lưỡng lợi cả đôi bên, các cô cậu ấy chỉ việc chở mình đến đó rồi họ đi công việc của họ, đến lúc mình xong thì họ đến đón mình về.
-  Vậy thì khỏe thật bác ạ.
-  Vâng, có bữa các bà trong xóm muốn đi mua sắm thì cô Ba cũng đi luôn, mỗi bà trả cho cô ấy 15 đồng, đi suốt cả buổi, chừng nào các bà mua bán xong, cô ấy lại chở về. Còn nếu cô ấy bận việc không chở được, thì có cậu Hùng chở đi, cậu này thả các bà xong là vào rạp cinê coi phim.  Đôi bên cùng vui vẻ, mình được ngồi nhà, khỏi theo các bà la cà vào chợ .
-  Thế các cô các cậu ấy có chở giùm đi lo giấy tờ gì không bác?
-  Có đấy ạ, khi cần lo việc như thi quốc tịch, hay giấy tờ an sinh xã hội, các cô cậu ấy cũng đưa đi, và làm thông dịch luôn cho các cụ, và chi phí cũng rất là khiêm nhường, đâu như chỉ khoảng 50 dollars thôi.
-  Vậy thì tốt quá hả bác. Các cụ vừa thoải mái, vừa không phải phiền hà đến con cháu, vì ở xứ này con cháu đi làm mà cứ phải xin nghỉ để đi lo việc cho cha mẹ, ông bà cũng phiền, nhất là dạo này nhiều công ty đang sa thải nhân viên.
-  Đúng thế, bác ạ, những tiện nghi này rất là thực dụng. Các cụ đôi khi cũng không muốn tùy thuộc quá nhiều vào con cháu. Nhờ các cô cậu hàng xóm trẻ này chở đi đây đi đó, cái tình thân vẫn có, nhưng ơn nghĩa giảm đi nhiều, vì dù sao các cụ cũng trả thù lao cân xứng.
-  Thế nếu khi nào các cụ bà chỉ cần vài thứ lặt vặt, cũng phải nhờ người chở đi chợ xa sao bác?
-  Không bác ạ. Ngay trong làng này cũng có một tiệm tạp hóa nhỏ, nhưng bán đủ thứ cần dùng hàng ngày cho dân trong làng.  Tiệm nằm ngay giữa làng nên rất tiện cho mọi người. Gạo, nước mắm, rau cải, mì gói, thuốc đánh răng, dầu cù là ... hầu như đủ cả. Ai cần mua nhiều mới phải đi xa, chứ nếu cần ít thì chỉ đến đấy. Để tôi dẫn bác đi bộ một vòng trong làng rồi mình ghé vào tiệm ấy cho bác coi.

Rẽ qua một con đường nhỏ trong xóm, ông Tuyên giải thích với bạn:
-  Tôi thích đi bộ trong xóm bác ạ.  Sáng đi vài vòng, tối ăn cơm xong lại đi tản bộ với nhà tôi, vừa tập thể dục lại vừa chào hỏi bà con lối xóm. Sáng mai bác sẽ thấy các Cụ tập Tai-Chi ngay bãi đậu xe, hay có người lại đi bộ theo con kinh này, vui lắm.
Ông Tuyên đưa tay chỉ ra bờ nước, tiếp:
-  Lúc này người ta rào lại, không cho xuống bờ nữa, chứ ngày trước mình có thể xuống đi dọc theo hai bên bờ con kinh này đấy bác.
Ông Chương tò mò:
-  Tại sao vậy bác?
-  Giản dị thôi, một phần vì sợ các cháu nhỏ ra chơi rồi nhỡ trợt chân té, một phần vì không muốn dân làng xuống đó trồng rau muống, bác ạ.
-  Ủa sao lạ vậy? Sao lại không cho trồng rau muống?

Ông Tuyên vẫn từ tốn, tủm tỉm cười:
-  Bà con Việt Nam mình vẫn hay có sáng kiến lạ. Hồi đầu, bên rạch nước là bờ cỏ xanh. Thay vì cắt cỏ, bà con ta làm đất trồng rau cải, hành, ớt ... vừa khỏi cắt cỏ lại vừa có rau tươi để ăn.
-  Thế tại sao ai lại cấm trồng rau muống?
-  Bà con ta, thấy trồng rau muống trên khô mà đã tốt đến thế, nên lại thả luôn giống rau muống xuống nước.  Rau muống gặp nước phát triển quá độ, bà con ta vừa ăn, vừa biếu cũng không kịp. Ngặt nỗi là rễ rau muống lan nhanh làm đầy hết kinh rãnh, thế là xóm khác bị lụt. Họ khiếu nại, nên thành phố phạt chung cư này, bắt rào lại và cấm trồng rau muống.
Ông Tuyên đưa tay lên gãi đầu, rồi tiếp:
-  Tôi cũng không biết có phải vì vụ này hay là do từ đâu mà sau này những nơi trồng rau muống nước đều bị cấm ngặt.
-  Như vậy là hết rau muống để ăn hả bác?
Ông Tuyên trấn an bạn:
-  Dân Bắc kỳ chúng mình mà không có rau muống làm sao sống nổi, Bác. Ngoài chợ vẫn có bán đấy chứ, nhưng rau muống bây giờ là loại rau trồng trên cạn, có nơi lại trồng cả trong nhà kính vào mùa lạnh, nên ta có rau ăn quanh năm. Cọng rau không được mềm như rau muống nước bác ạ. Bác đừng lo, tối này nhà tôi sẽ mời bác dùng cơm với rau muống luộc và cà pháo.

Ông Chương cười lớn:
-  Xứ Mỹ này có nhiều cái rắc rối bất ngờ. Chắc họ cũng có lý do của họ. Thôi thì cứ nhập gia tùy tục, bác nhỉ?
-  Vâng, thì phải vậy. Mà này bác, bác còn thích đánh chén với tiết canh heo không?
Ông Chương ngạc nhiên:
-  Ở đâu mà có món ăn quốc hồn quốc túy đó? Từ hồi qua đây tôi có thấy bao giờ đâu bác.
Ông Tuyên cười, bí mật:
-  Món ngon quốc hồn quốc túy nào ở đây cũng có cả.  Trong làng, thỉnh thoảng họ chung nhau lên mấy trại nuôi súc vật ở đây, mua nguyên con bò, con heo làm thịt tươi, rồi lấy huyết làm tiết canh. Tôi nghe nói bên làng Thái Xuân họ còn làm heo ngay tại trong làng nữa. Không biết có đúng không.
-  Làng Thái Xuân! Bác vừa nói có làng khác nữa à?
-  Vâng, tôi quên chưa nói với bác là sau khi làng Joseph này lập ra và thành công, thì có nhiều nhóm cũng bắt chước lập ra nhiều làng tương tự.  Ngay bên kia đường có làng Đà Lạt.  Làng Thái Xuân cách đây chừng năm phút lái xe. Nghe nói bên làng Thái Xuân có nhiều anh em H.O. lắm và tinh thần Việt Nam cũng không thua gì làng Joseph này bác ạ.  Tuy nhiên hình như chỉ có làng Joseph này là có vẻ “xóm đạo” nhất. Không biết có phải vì do cha Chỉnh lập ra mà được như thế không nữa.

Ông Chương lại thắc mắc:
-  Thế Làng có tổ chức quản trị gì đặc biệt không, bác?
-  Có chứ ạ. Ban quản trị làng do bà con bầu ra để lo việc chung của làng như bảo trì, đổ rác, điện nước ... Ngoài việc đó, ban quản trị còn lo các việc đặc biệt như hội hè, đình đám, quan hôn, tang tế... trong làng. Các ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Trung Thu, Giáng Sinh... ở đây vui lắm. Tết thì giống như ở Việt Nam ta, pháo nổ đón Xuân đêm giao thừa.
Ông Chương ngắt lời bạn:
-  Đốt pháo ban đêm như vậy mà cảnh sát không làm khó dễ sao, Bác?
Ông Tuyên từ tốn:
-  Mình xin được giấy phép của thành phố cho đốt pháo mới dám đốt, chứ bác. Cảnh sát còn đến giữ trật tự cho dân làng đốt pháo, vì Houston cấm đốt pháo, nếu không có giấy phép.
Ông Chương gật gù:
-  Thế thì hay thật đấy, Bác. Mà bác này, nãy giờ mình bách bộ tôi thấy có vài người Mỹ.  Họ cũng ở đây hả bác?
-  Vâng, đấy là con dâu, con rể, cháu ngoại, cháu nội ... của các cụ trong Làng. Nhiều cô cậu cũng nghe và nói được tiếng Việt mình đấy bác ạ.  Tôi thấy họ cũng có vẻ thích đời sống ở đây lắm.
Chỉ tay vào vài đứa bé đang ngồi chơi cuối dãy, ông Tuyên nói tiếp:
-  Bác thấy các cháu nhỏ kia không. Các cháu lai nửa Mỹ, nửa Việt mà đang nói tiếng Việt rành rẽ như vậy đó.
-  Ồ, các cháu dễ thương quá.

Vừa lúc ấy, bà Tuyên ở nhà Nguyện đi về, đám trẻ bu lại chào hỏi. Một cô bé da trắng hồng nắm lấy áo bà, hỏi:
-  Hi Bà Ngoại, Can Jennifer play?
Bà Tuyên cúi xuống, vuốt đầu đứa bé:
-  Chào bé Ann. Để bà coi nhé.
Rồi bà nói vọng lên trên lầu với cô cháu ngoại:
-  Jennifer ơi, bé Ann rủ con chơi này.
Cô cháu gái chạy xuống lầu, rồi nhanh nhẩu đáp:
-  Thank you, Grandma.
Vừa nói cô bé vừa chạy theo chơi đùa với bạn. Ông Chương chưng hửng trước cảnh này. Bầy nhỏ và bà Tuyên nói mỗi người một thứ tiếng, mà ai cũng hiểu nhau. Sự thông đạt không cần ngôn ngữ.  Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của bạn, ông Tuyên giải thích:
-  Ở đây, mấy đứa bé chơi với nhau thường lắm. Chúng đến chơi với cháu Jennifer hoài nên quen biết. Chúng theo Jennifer, gọi nhà tôi là “Bà Ngoại” Bà nhà tôi cũng thương chúng như thương Jennifer. Có gì cũng san sẻ với chúng. Bà nhà tôi nói tiếng Việt, chúng không nói rành, nhưng hiểu hết. Mà bà nhà tôi, dù không nói tiếng Mỹ với chúng nhưng lại cũng hiểu chúng nói gì.  Đúng là sự truyền đạt không cần ngôn ngữ. Bác đồng ý không?

Ông Chương gật đầu:
-  Đúng vậy, Tôi nghĩ sự đạt thông tư tưởng sâu xa chính là sự cảm nhận chứ không phải ngôn từ. Cảm nhận bằng tình thương là sự cảm nhận và cảm thông tuyệt diệu nhất.
Dừng lại bên cây đu đủ đầy trái, ông Chuơng nói tiếp:
-  Tôi nghĩ rằng môi trường sống trong làng này cũng có ít nhiều ảnh hưởng tốt đẹp đến sự sống hòa đồng của dân làng.  Chẳng biết bao giờ mình mới có cơ hội trở về sống lại nơi quê mình ở Biên Hòa, nhưng ở xứ Mỹ mà được sống hài hòa như nơi đây cũng là nhờ ơn trên nhiều lắm.  Cây đu đủ này của ai bác nhỉ?
-  Của bà Dậu trồng đấy bác ạ, nhưng ai muốn dùng thì cứ việc tự nhiên, để tôi hái một quả chín chốc nữa mời bác dùng tráng miệng.
Cầm quả đu đủ chín vàng trong tay, ông Tuyên ngậm ngùi:
-  Tiếc quá, bà Dậu đã qua đời. Dù sao mình cũng cảm ơn Bà đã trồng cây này để bà con có trái ngọt quê hương. Thôi ta vào dùng cơm bác ạ, chắc nhà tôi đã nấu xong rồi .!


 


Như những xóm nhỏ ở Việt Nam, làng có dịch vụ cơm tháng, cắt tóc, thợ may, đau yếu có nhân viên tiệm thuốc mang tới tận nhà!  

Welcome to Vietnam in America~!


Tác giả: Nguyễn Phục Hưng

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Chợ chồm hỗm ở Houston



 6g30 sáng, chiếc Acura bóng lộn đời mới nhất đỗ xịch ở ven đường. Một ông già từ trong xe khệ nệ bưng thùng giấy đựng mấy bó rau bỏ xuống. Cạnh đó, mấy bà già cũng tất bật lôi từ xe hơi của mình những trái mướp, quả bầu, mớ chanh, ớt, đậu bắp... để bày biện. Mỗi sáng chủ nhật, phiên chợ chồm hỗm ở Houston của người Việt lại được bắt đầu như thế ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. 



image


image

Nếu chỉ xem ảnh mà không có chú thích, không lời kể, hẳn không thể tin nổi phiên chợ chồm hỗm ở Houston ven đường này là ở Mỹ! Chợ chồm hỗm ở Houston nay đã được 15 tuổi





image

Ông “tôm” 59 tuổi (bìa trái) ngày thường vẫn đi làm hãng. Chủ nhật ông cùng vợ ra chợ chồm hỗm ở Houston bán tôm. Vừa để gặp gỡ cộng đồng người Việt vừa kiếm thêm tiền chợ khi mỗi buổi bán trung bình 30kg tôm





image

Tại sao người ta chọn con đường này làm nơi họp chợ chồm hỗm ở Houston cho đỡ nhớ quê? Đơn giản bởi phía bên kia đường là nhà thờ mang kiến trúc đặc thù Việt Nam



 


image
image

Không phải lo chuyện mất mát hay ... ăn quỵt hihihi





image

Chợ chồm hỗm ở Houston thu hút được cả anh chàng Mỹ da màu này vì hàng vừa rẻ, vừa tiện





image

Dọn hàng từ tờ mờ sáng bằng xe Acura đời mới





image

Kẻ mua người bán khá nhộn nhịp





image

Mua bán là chuyện nhỏ. Điều quan trọng hơn khi đến với chợ chồm hỗm ở Houston là được trò chuyện, tâm sự với nhau chuyện gia đình bằng tiếng mẹ đẻ



Ở Mỹ, “chợ Việt” rất nhiều, từ các cửa hàng nhỏ đến những siêu thị bán đủ loại “đặc sản” Việt Nam. Nhưng một cái chợ chồm hỗm ở Houston ngay lề đường bán mớ rau, con cá có lẽ rất hiếm. Đến đây mọi người như trở về với cái “chợ lề đường” ở Việt Nam. Vẫn những cái ghế đòn nhỏ, những chiếc nón lá, áo bà ba, lại nghe được tiếng kỳ kèo trả giá của người mua, người bán...
“Ở Mỹ này, mập mạp gì mấy đồng bạc con ơi. Trả giá chút xíu chỉ để nhớ lại thời còn ở VIệt Nam thôi mà”- bà Trần Thị Vinh, khách hàng thường xuyên của chợ chồm hỗm ở Houston, nói.
Đó là cái chợ mà mỗi sáng chủ nhật con cháu lại chở cha mẹ đến cùng với mớ rau, con cá để bán, trưa lại ghé qua chở về. Người nào nhà gần thì sáng sớm lại túc tắc đẩy xe ra. Hầu hết hàng ở chợ đều là “cây nhà lá vườn”, đặc sản Việt Nam như bầu, bí, mướp, khổ qua, rau muống, rau lang, rau đay, dấp cá…Mỗi bó 1 USD, mua 10 bó tặng một.
Bà Khanh Nguyễn, nhà cách chợ gần 20km, vui vẻ nói: “Một bó rau trong siêu thị bán một đồng ba mươi chín xu (1,39 USD), ở đây bán một đồng (1 USD). Vừa tiện, vừa rẻ. Nhưng thích nhất là tha hồ nói tiếng Việt, nghe đủ thứ giọng quê mình: Huế, Quảng, Nam, Bắc, hệt như mình đang ở cái chợ chồm hổm ngày xưa ở Việt Nam”.


 
image


Đó là cái chợ mà người bán đều được gọi bằng tên mặt hàng mình bán: ông “rau đay”, bà “hẹ”, vợ chồng ông “tôm”, bà “bột lọc”… Ông “rau đay” bữa nào kẹt về sớm thì gửi hết mớ rau sang cho bà “rau thơm” bán hộ. Bà “bột lọc” cũng kiêm luôn bán rau, nhưng thỉnh thoảng lại mang bánh ra mời “đối thủ cạnh tranh” của mình… Còn bà “hẹ” có kiểu bán rất tài tử. Mỗi sáng chủ nhật bày hàng ra đó rồi đi nhà thờ. Canh hàng có con chó “chi oa oa” cổ đeo cái bảng nhỏ: “Hẹ 2 bó 1 đồng”. Người mua cứ việc lấy bao nhiêu bó, rồi tự động bỏ tiền vào cái lon nhỏ để cạnh. Chẳng khi nào mất.
Bà “hẹ” khoe: “Tôi bán ở đây được ba năm, để dành được 4.000 đô rồi đấy. Tiền bán tôi để riêng, lúc nào được 10.000 lại mang về Việt Nam giúp đỡ bà con ở quê”.
Đó là cái chợ người bán, người mua kỳ kèo, trả giá “ác liệt” thế đấy nhưng gặp khách quen cũ, người bán cũng ới ới tặng vài bó mang về ăn cho vui. Người mua có người trả trước tiền cả tháng. Cứ mỗi sáng chủ nhật, sau khi đi lễ nhà thờ lại lấy vài bó rau, trái mướp mang về. Đó là cái chợ mà bà già “rau thơm” 78 tuổi lụm cụm thối tiền cho khách, lẫn lộn lung tung, thế là khách phải ngồi xuống tính tiền, thậm chí bán hàng giùm bà già luôn.
Thế đó, họ bán, họ mua vừa như thật, vừa như “chơi” nhưng ai cũng hăm hở, náo nức. Dường như mỗi người đi chợ đang “bán”, đang “mua” cho mình một nỗi nhớ quê nhà vời vợi.
Chỉ tiếc mỗi nỗi vào dịp Tết Nguyên đán là bên này lạnh thấu xương, cây cối đều “ngủ đông” nên cũng chẳng có rau, ớt... để họp chợ. Chứ không thì cái chợ xép này lại càng thêm xôm tụ cho những người xa quê thỏa tấm lòng nhớ tết. 



Chợ chồm hỗm ở Houstonimage
image
image
image
image
image
image
image



ST


Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Hoa tường vy nở rộ ở Mỹ!



Hoa Crape Myrtle (tường vy) được trồng rất nhiều ở Houston (Texas, Mỹ), khắp nơi hai bên đường, trong công viên, sân trường học, bệnh viện ... và khu dân cư. Hoa nở vào mùa hè, có nhiều màu.


Ở Việt Nam, Hoa Crape Myrtle được gọi bằng những cái tên lãng mạn như hoa tường vy, bằng lăng...

1-727003-1372042590_500x0.jpg
18-129329-1372042592_500x0.jpg
19-636885-1372042596_500x0.jpg
20-602065-1372042598_500x0.jpg
21-972582-1372042599_500x0.jpg
22-185667-1372042601_500x0.jpg
10-332389-1372042603_500x0.jpg
3-488835-1372042605_500x0.jpg
12-621931-1372042617_500x0.jpg
13-854906-1372042629_500x0.jpg

Và những nàng hoa này đây, đang hành hạ HV :-?   và những ai bị allergy với thời tiết, phấn hoa và bụi ...> hắt hơi, nhảy mũi, nghẹt mũi, mắt đỏ...te tua, huhu!!!

Thật là không thể giỡn chơi!

 

 

 

 hv

P/s:  Entry tới sẽ giới thiệu đến các bạn chợ chồm hỗm ở Houston, Yes, là chợ chồm hỗm có trả gía luôn!

 

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Just another entry của Mưa!!!


 




Sáng thứ 7, 
ừ một sáng thứ 7 chẳng có gì khác lạ ngoài...mưa, 
mưa thì có gì lạ đâu ngoài... chút cảm xúc ở đâu chạy về, 
thế đã là một sáng thứ 7 khác thường rồi... 
Đúng không? 

Vớ vẫn nhỉ, 
mình vốn không thik mớ bòng bong này sao cứ phải gà mờ mỗi khi mưa?  

Thì ra, 
phụ nữ vẫn là phụ nữ,  
có mạnh mẽ 
có đa đoan
có ngang ngang 
có tàng tàng 
có bất cần...
thì.........
tận nơi sâu thẫm nào đó 
phụ nữ vẫn mềm như sợi bún, 
và cũng bik tỉ tê... 



 hv