Tôi chỉ là một người
đàn bà nội trợ, tuy nhiên với tuổi đời khá cao, chứng kiến đủ mọi cuộc
bể dâu của một dân tộc, cũng như với thời gian hơn 30 năm trải dài ở xứ
người, tôi tin cái nhìn của tôi về cuộc sống cũng có chút thú vị riêng
của nó!
Tôi không dám tản mạn xa gần, và khuôn khổ
một đoản văn như bài viết này cũng không thể nói lên được đầy đủ tất
cả, cho nên tôi chỉ "khái lược" một vài khía cạnh mắt thấy tai nghe về
cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Houston, Mỹ, để xin chút thì giờ
của quý vị.
Houston là một vùng đất tập trung người
Việt Nam nhiều thứ hai ở Mỹ sau California. Nhờ địa hình, đất đai rộng
lớn chưa khai phá hết, nên so với California thì đất đai ở đây phải nói
là rẻ mạt, do đó vấn đề nhà cửa, nơi ăn chốn ở, không phải là mối lo của
mọi người. Vì đất rẻ, nên nhà cửa ở đây vừa túi tiền cho bất cứ ai, từ
giàu tới nghèo. Bạn là dân HO mới qua ư? Lớn tuổi thu nhập ít? Bạn vẫn
có thể mua một căn chung cư khiêm tốn vài ba phòng ngủ che nắng che mưa,
với giá chỉ hai - ba chục ngàn đô la, hoặc ít hơn.
Nếu
bạn khá giả, có tiền thì càng dễ, những căn hộ sang trọng hơn, từ vài
ba trăm ngàn tới vài triệu đô la cũng không thiếu, từ thấp lên cao, đều
có đủ để phục vụ nhu cầu của bạn (không đẹp không ăn tiền).
Ở
đây người Việt đùm bọc nhau, có những khu chung cư chỉ toàn người Việt
sinh sống, như làng Thái Xuân, làng Tre... Ở đó mỗi căn hộ giá chỉ có
vài ngàn tới không quá 20 ngàn, như những xóm nhỏ ở Việt Nam, có dịch vụ
cơm tháng, cắt tóc, thợ may, đau yếu có nhân viên tiệm thuốc đem tới
tận nhà.
Có nhiều hội bô lão có trụ sở, giúp người
già họp mặt giải trí, hoặc tổ chức đi tham quan du ngoạn, cung cấp
những bữa ăn miễn phí, cố vấn về y tế, sức khoẻ... Có nhiều chương
trình, công ty phục vụ y tế tại gia do người Việt làm chủ, tới tận nhà
để chăm sóc giúp đỡ các cụ già neo đơn... Tất bật làm ăn, buôn bán xa
gần, nhưng cuối tuần ai cũng tụ về trung tâm người Việt để đi chợ mua
sắm, ăn uống, gặp gỡ.
Nếu cuối tuần rảnh không làm
gì, thì bạn hãy ghé vào Lee's sandwiches làm một ly cafe, ngồi nhâm nhi
một lát, bảo đảm, bạn sẽ gặp không ít những bạn bè quen, vẫy tay chào
hỏi thân tình, hoặc xà lại ngồi chung, tám chuyện cho vui.
Các
cụ ông thì tụ lại đánh cờ, có ông nhíu mày, nhăn mặt, trông suy tư,
động não ra phết. Còn các cụ bà thì cùng con cái đi chợ, đi ăn, hoặc
muốn thì đi chùa, làm công quả. Vui với bạn già, thanh thản trong sự
thanh tịnh của nhà chùa. Tới chiều hoặc theo giờ hẹn, con cái sẽ tới đón
các cụ ông, cụ bà, cùng về.
Ở chùa, hoặc nhà thờ
cũng có mở nhiều lớp dạy tiếng Việt, nên vào cuối tuần trẻ em cũng hay
được cha mẹ gởi tới chùa và nhà thờ để sinh hoạt tôn giáo và học tiếng
Việt.
Còn người chết thì cũng ấm cúng lắm, có nhà
quàng Vĩnh Phước, nhà quàng Thiện Tâm lo lắng chu đáo theo phong tục
người Việt, hoa được đem đến tặng đầy phòng. Tùy theo tín ngưỡng, bạn sẽ
được Cha, hoặc sư thầy ở chùa và hộ niệm tới đưa bạn ra đi ấm áp với
câu kinh, tiếng kệ.
Nếu người chết không có thân
nhân, tiền bạc? Không sao, nhà quàng vẫn chu đáo, sau đó kêu gọi đồng
hương đóng góp giúp đỡ, nghĩa tử là nghĩa tận. Bằng cách nào thì người
chết vẫn rất được tôn trọng và ấm áp ra đi.
Trên
đường ra nghĩa trang, đoàn xe tang sẽ được 4-5 cảnh sát cưỡi môtô hộ
tống, thay phiên nhau cản xe, và chặn các ngã tư đường, để giữ đoàn xe
tang được đi liên tục, không đứt quãng.
Ở Mỹ, mọi
người có thói quen ra đường gặp đám tang, không cần biết người chết là
ai, những xe chạy trên đường thường tự động ngừng lại, tránh vào lề,
nhường đường để tỏ lòng tôn trọng người chết.
Không
phải nói quá, đóng cửa trong nhà thì không biết ra sao, chứ nơi công
cộng, văn hóa ứng xử của người Mỹ thật đáng cho ta học hỏi.
Houston:
-
Có nhiều khu phố tập trung làm nơi sinh hoạt của người Việt Nam, nhưng
đông đúc nhất là những dãy phố trải dài trên đường Bellaire phồn thịnh,
mà những căn phố, hay những tòa nhà đồ sộ ở nơi này đều do người Việt
mua đứt, làm chủ.
- Có hệ thống nhà hàng Kim Sơn
danh tiếng, có nhiều hệ thống siêu thị bán thực phẩm vĩ đại (như Hồng
Kông), rất nhiều văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư Việt Nam nổi tiếng,
mà thân chủ không ít là người ngoại quốc xếp hàng chờ trực.
- Có vài đài truyền hình, có dăm ba đài radio lớn phát sóng thường
xuyên phục vụ cộng đồng, có nhiều hội ái hữu đồng hương để gặp gỡ sinh
hoạt.
- Có nhiều báo ngày, báo tuần, báo tháng... phục vụ đồng hương miễn phí.
-
Có hội văn hóa khoa học, hàng năm tổ chức vinh quy bái tổ, khuyến
khích, vinh danh cho những con em đạt được thành tích xuất sắc.
Có nhiều nữa, không thể kể hết.
Đấy, nhiều sinh hoạt hữu ích, nhiều sắc màu của cuộc sống lắm, không lẻ loi, cô đơn đâu bạn ơi...
Người
Việt mình ở đây, đa số làm ăn hoà nhập với người bản xứ, nghĩa là sống
trải rộng, buôn bán làm ăn trực tiếp đủ mọi ngành nghề, chủ yếu phục vụ
người ngoại quốc, từ tiệm tạp hoá, tiệm móng tay, sửa xe, tiệm giặt ủi,
nhà hàng, cây xăng... trải rộng từ hang cùng ngỏ hẽm, tới những khu sang
trọng. Người Việt có mặt trên từng cây số, và không thể phủ nhận sự
thành công vẻ vang của họ.
Cũng như tiểu bang Cali
nổi tiếng về điện tử, thì Houston nổi tiếng với kỹ nghệ dầu hỏa, với
nhiều hãng dầu vĩ đại. Bên cạnh cũng có nhiều hãng về kỹ nghệ tin học,
như hãng HP chuyên sản xuất máy tính danh tiếng, mà nếu có dịp bước chân
vào, bạn sẽ thấy nhân viên người Việt từ sếp lớn, sếp nhỏ chiếm đa số.
Những ngành này cung cấp được nhiều công ăn việc làm cho người bản xứ và
người Việt ta đã thừa cơ hội chen chân vào hưởng phước cũng khá nhiều.
Tính
sơ về hãng tiện (phục vụ cho kỹ nghệ dầu hoả), có khoảng 2.000 hãng lớn
nhỏ do người Việt làm chủ. Mấy năm nay xăng dầu trên thế giới khủng
hoảng lên giá, nên sản xuất tăng vọt, công nhân tha hồ làm thêm giờ, và
các ông chủ thì trúng lớn, góp thêm nhiều tên Việt Nam trong danh sách
những triệu phú ở Mỹ.
Nói chung, vật giá ở Houston
rẻ hơn những nơi khác, công ăn việc làm nhiều, rất dễ sống. Những năm
trước, khi kinh tế còn phồn thịnh, phải nói thu nhập mọi người rất dồi
dào, bên cạnh làm ăn nuôi dạy con cái, họ còn đầu tư chỗ này, chỗ kia,
nên sau vài chục năm, đa số dân Việt Nam ở đây ai cũng có của ăn của để.
Khác với dân bản xứ không có thói quen dành dụm,
do cả đời được sống trong nhung lụa, được chính phủ bao bọc triệt để,
nên họ rất vô tư, ăn xài thoả thích, không cần biết ngày mai. Người Việt
mình tuy giàu có, nhưng vốn trải qua nhiều biến động, từng đói khổ,
phải ra đi, nên đại đa số có thói quen "tích cốc phòng cơ, tích y phòng
hàn". Làm 10 đồng, xài nhiều lắm là 5-6 đồng, còn thì tích lũy dành dụm,
đầu tư, hay để vào tiết kiệm kiếm lời.
Bây giờ
kinh tế eo xèo, công tâm mà nói, họ cũng giảm bớt những chi tiêu xa xỉ,
dù làm còn 6 đồng thì cũng vẫn kế hoạch để dư ra 1-2 đồng. Tóm lại, ít
ai ăn xài hết số tiền kiếm được hiện tại, đừng nói chi đụng đến vốn để
dành.
Trong khi dân bản xứ la lối om xòm than thở,
đòi chết, đòi sống, để làm áp lực với chính phủ hầu hưởng thêm những
khoản trợ cấp phụ trội, vì gặp khó khăn với thói quen ăn xài quá lố của
mình, thì người Việt ta vẫn bình thân như vại. Tôi nghĩ cho dù kinh tế
suy thoái kéo dài thêm 5 năm nữa, người Việt ta cũng không hề hấn gì.
Ngay Houston này, tôi thấy mọi người vẫn ung dung. Chợ, nhà hàng, tiệm
tóc... đầy người đang đi mua sắm, đi ăn, làm đẹp... Tôi thật tình nể họ
quá!
Còn dân bản xứ, la lối để yêu sách này nọ thế
thôi, chứ 10 người mới có một người thất nghiệp (10%). Thì đã sao? Có
biết bao nước, con số thất nghiệp còn cao hơn nhiều, mà có được chính
phủ giúp đỡ tẹo nào đâu? Ở Mỹ này, trợ cấp thất nghiệp cứ được gia hạn
dài dài, dân chúng miệng thì la, nhưng ăn xài vẫn không giảm. Nghĩ cho
cùng, làm dân xứ giàu cũng sướng thật!
Thế hệ người
Việt ra đi bằng đường biển năm xưa, giờ thì không ít người tuổi đã cao,
đa số đã về hưu (dù chưa tới tuổi hưu). Sau nhiều năm cực nhọc, họ cũng
muốn hưởng phước, công việc làm ăn đa phần đã chuyển nhượng lại cho
những người qua sau, cứ thế dòng đời tiếp tục vận chuyển.
Còn
thế hệ thứ hai, đám con cái họ, đa số đã thành danh, thành nhân, có thể
tiến thân vững vàng, có mặt rạng rỡ trong những ngành nghề đòi hỏi
trình độ học vấn hiểu biết cao, và thu nhập cũng ngất ngưởng. Nên những
công việc dài giờ, lao động vất vả một thời cha mẹ họ trước kia, ở hoàn
cảnh lỡ thợ, lỡ thầy, chấp nhận như cây tràm cây mắm, hy sinh làm bệ
phóng cho bầy con vươn lên, giờ đã không còn người tiếp quản, sẽ dần mai
một trong tương lai gần.
Tôi thật tình thấy vui lẫn hãnh diện nhìn tương lai đám trẻ Việt Nam, thế hệ thứ hai.
Tôi có nghe nhiều người than nhà cửa ở Cali quá mắc, nhân đây tôi cũng muốn đề cập sơ về chuyện này:
Rất
đúng, tôi hoàn toàn công nhận, nhưng tôi là người thích nhìn về mặt
tích cực. Này nhé một căn nhà ở Houston có giá 100 ngàn, nếu ở Cali sẽ
có giá 500 ngàn, sao thế?
Lý do vì miếng đất đó ở
Texas chỉ có giá 15 ngàn, mà ở Cali giá tới 415 ngàn, vật liệu xây dựng
đâu cũng thế, chỉ 85 ngàn thôi, nhưng khác biệt là giá đất, nên căn nhà
có cũ, sập, cháy... thì miếng đất vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt chẳng mất
đi đâu, là món tài sản theo thời gian thành vô giá, giống như đất ở Sài
Gòn so với đất Long Khánh, thế thôi.
Vì quá mắc,
nên bạn vất vả để có nó, nhưng bạn thử nghĩ, nó là món tài sản lớn, nếu
bạn muốn nghỉ hưu, chỉ cần bán nó là bạn có một số tiền lớn trong tay,
không cần phải đem nửa triệu bạc về Việt Nam để sống như vua. Chỉ cần
bạn qua Texas này, mua căn nhà rộng rãi chỉ tốn 100 ngàn, còn lại 400
ngàn bỏ ngân hàng lấy lãi, bạn cũng sống ung dung cả đời. Mà xứ này, nơi
đâu cũng có đủ tiện nghi tối đa, phục vụ bạn không phân biệt tiểu bang
nào.
Cuộc sống ở đâu thì rồi cũng thế, muôn hình,
muôn mặt, trăm ngàn góc cạnh khóc cười, biết vẽ sao cho hết. Cách nhìn
nhận sự việc do đó đương nhiên cũng không thể giống nhau. Ngay cộng đồng
người Việt ở đất Mỹ này cũng nhiều khác biệt, nhóm người đi trước 75,
nhóm người ra đi năm 75-85, nhóm đoàn tụ gia đình sau này, nhóm du học
sinh "sanh sau, đẻ muộn" , nhóm thương gia, đại gia chuyển tiền qua làm
ăn, kinh doanh...
Động lực, hoàn cảnh ra đi khác
nhau, thì quan điểm, cách nhìn nhận sự việc cũng sẽ khác, có khi còn đối
chọi nhau đến vỡ đầu, sứt trán nữa không chừng. Nên mỗi bài viết, còn
tùy thuộc vào cái nhìn riêng của mỗi người, nếu không đúng với cái nhìn
của bạn, xin đừng vội lên án là nổ, là sai. Xin bạn hãy kiên nhẫn, theo
thời gian rồi bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về sự việc.
Tôi tin rằng chỉ cần tiếp tục đọc VnExpress
đi, trong tương lai tôi chắc sẽ có thêm nhiều bài viết, nêu rõ từng góc
cạnh của sự việc. Lúc đó được tổng hợp từ nhiều phương hướng khác nhau,
tôi tin rằng sự hiểu biết, cũng như tầm nhìn của bạn về nước Mỹ sẽ rộng
và chính xác hơn bây giờ nhiều.
Tôi có hân hạnh
đọc phản hồi ý kiến của một vài bạn, sau khi đọc cả bài viết của người
ta, lại bảo rằng không hiểu người viết muốn chuyển tải điều gì. Trường
hợp này tôi rất thông cảm với bạn, vì chính tôi đây đã không ít lần ở
vào trường hợp này. Đơn giản và cụ thể nhé: tôi thỉnh thoảng vẫn xem tin
tức các phi hành gia đổ bộ mặt trăng. Dù đầy đủ những bài viết tường
trình về đất đá, điều kiện sống, có đính kèm hình ảnh, tôi vẫn không thể
hình dung được hình dáng mặt trăng như thế nào. Dù thế nào chăng nữa,
đầu óc tôi vẫn còn chứa đựng hình ảnh một mặt trăng với gốc cây đa, có
chú cuội và chị Hằng Nga xinh đẹp.
Đấy bạn thấy
không? Tôi rất giống bạn, ở một nơi cao xa như vậy, lại chưa đặt chân
tới, hay sống cùng, thì khó cho trí tưởng tượng, cũng như sự hiểu biết
của mình dung nạp được, phải không bạn hiền?
Thôi
thì chúng ta cùng kiên nhẫn nhé. Tôi tin có một ngày, bạn và tôi sẽ được
hiểu rõ mà thôi. Nước chảy đá mòn mà, muốn gấp cũng không được bạn à .
ST